Xây dựng nhãn hiệu nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP
| On Th514,2021Trong nền kinh tế toàn cầu, nhãn hiệu của các cơ sở sản xuất không những được coi là tài sản quý giá của cơ sở sản xuất mà còn là công cụ để các nền kinh tế xâm nhập một cách hiệu quả hơn vào thị trường các quốc gia khác. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới sẽ làm cho năng suất và hiệu quả kinh tế ngày càng tăng, kéo theo đó là xu hướng hình thành ngày càng nhiều các loại nhãn hiệu đa dạng và có giá trị cao.
Hiện nay, các vấn đề liên quan đến đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật SHTT 2005 – sửa đổi năm 2009) và các văn bản hướng dẫn như Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp và một số văn bản khác.
Điều 4 khoản 16 Luật SHTT 2005 quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Quy định này nhấn mạnh đến chức năng và cũng là mục đích của nhãn hiệu, là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Xét về nội dung, có thể thấy đây là một định nghĩa mở, không có sự hạn chế các dấu hiệu cụ thể được sử dụng làm nhãn hiệu. Về mặt pháp lý, bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau đều có thể trở thành nhãn hiệu.
Xây dựng nhãn mác hàng hóa nói chung và nhãn hiệu nông sản nói riêng để nhận diện sản phẩm, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch thông tin sản xuất thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm tiến tới ổn định bền vững cho các bên tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị là cần thiết nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng.
Nhãn hiệu nông sản, đối với gạo nếu xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ mang thương hiệu của doanh nghiệp, thì phải đăng ký mẫu mã nhận diện thương hiệu.Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo sang Mỹ chủ yếu thông qua nhà nhập khẩu (doanh nghiệp thương mại), cho nên, những đơn vị này sẽ đăng ký mẫu mã thương hiệu của riêng họ, kể cả đóng bao ở Việt Nam, họ (doanh nghiệp thương mại) cũng yêu cầu doanh nghiệp trong nước, phải đóng vào bao với thiết kế, nhãn hiệu, những loại ngôn ngữ…, theo yêu cầu của họ, trường hợp mặt hàng gạo thì đây là việc khá dễ dàng vì doanh nghiệp chỉ cần cho gạo vào bao là xong. Có một thực tế đối với nhãn hàng gạo, người tiêu dùng không những ở Việt Nam và ngày cả ở thị trường Mỹ, họ mua gạo thường chỉ dựa vào bao bì, nhãn hiệu, đúng loại là họ mua ăn, “nhiều lúc đưa bao bì khác, nhưng cùng chủng loại gạo đó, người ta cũng không mua”. Chính việc phải bán qua trung gian như nêu trên, cho nên, doanh nghiệp trong nước chỉ biết bán gạo, còn vấn đề thương hiệu, đăng ký nhận diện thương hiệu, đăng ký bảo hộ…, doanh nghiệp Việt Nam chưa chú tâm. Đây là kẽ hở cho các công ty thương mại họ đăng ký như trường hợp gạo ST25 tại thị trường Mỹ (Nguồn: Gạo ST25 bị bảo hộ tại Mỹ, vấn đề cần làm ngay lúc này là gì? (thesaigontimes.vn)
Phân biệt thương hiệu với nhãn hiệu hàng hoá: Ở Việt Nam khái niệm thương hiệu thường được hiểu đồng nghĩa với nhãn hiệu hàng hoá. Tuy nhiên hai khái niệm này vẫn có các điểm khác nhau cần phải làm rõ: Theo hiệp hội Marketing Hoa Kỳ: Nhãn hiệu là một cái tên, từ ngữ, ký hiệu, biểu tượng hoặc hình vẽ, kiểu thiết kế… hoặc tập hợp các yếu tố trên nhằm xác định và phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một người bán hoặc nhóm người bán với hàng hoá và dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh.
Có thể thấy được một sự tương đối giống nhau trong hai khái niệm trên: đều là những từ ngữ, dấu hiệu, biểu trưng… dùng để xác định, phân biệt các sản phẩm, dịch vụ cùng loại của các nhà sản xuất khác nhau. Song ở khái niệm thương hiệu ngoài yếu tố thương mại được nhấn mạnh còn nhắc đến sự xác định rõ ràng về nguồn gốc của hàng hoá. Như vậy ở đây đã xuất hiện phần nào bóng dáng của yếu tố luật pháp. Khi một nhãn hiệu được khẳng định chắc chắn bằng việc đi đăng kí bảo hộ và được chấp nhận bảo hộ thì nhãn hiệu đó đã được chứng nhận độc quyền và thường được coi là thương hiệu. Chính vì vậy người ta thường gắn việc đăng kí nhãn hiệu hàng hóa với việc khai sinh ra một thương hiệu thành công và đương nhiên thương hiệu đó có thể lớn mạnh hay không còn cần có một chiến lược phát triển sản phẩm nghiêm túc nữa. Hơn nữa một nhà sản xuất thường đặc trưng bởi một thương hiệu nhưng có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hoá khác nhau.
Trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang xuất khẩu mạnh các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, giày dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản… và chất lượng của các mặt hàng này ngày cũng càng tăng. Tuy nhiên, tới 90% hàng Việt Nam phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn còn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Đây là một sự yếu kém thua thiệt lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Cần phân biệt thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia (hay còn gọi là nhãn sản phẩm quốc gia) là loại nhãn hiệu dùng cho sản phẩm của một nước, thường do Tổ chức xúc tiến thương mại của nước đó chủ trì phát hành, nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các thương hiệu Việt Nam đã và đang sẽ phải đương đầu với các thương hiệu nước ngoài trên mọi lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có một cái nhìn chiến lược về xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu ngay từ thị trường trong nước. Để vươn ra thị trường thế giới, các thương hiệu Việt Nam cần phải có một chiến lược tiếp thị bài bản hơn. Để xây dựng một thương hiệu có khả năng đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liện ấy, để đưa thương hiệu trở thành một tài sản thực sự có giá trị, doanh nghiệp cần phải: (1)Có nhận thức đúng và đầy đủ về thương hiệu trong toàn thể doanh nghiệp, từ các cấp lãnh đạo cao nhất tới nhân viên cấp thấp nhất để có thể đề ra và thực thi một chiến lược thương hiệu trên các mặt: Xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu. Có một bộ phận chuyên trách phát triển thương hiệu; (2)Chiến lược thương hiệu phải nằm trong chiến lược marketing tổng thể, xuất phát từ nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, kết hợp với chiến lược phát triển sản phẩm, quảng bá, chính sách giá cả, phân phối hợp lý, nhằm tạo cho doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của họ một hình ảnh riêng trong tâm trí và nhận thức của khách hàng trong tương quan với đối thủ cạnh tranh; (3)Cần đăng ký bảo hộ thương hiệu trong và ngoài nước (nếu có ý định xuất khẩu); (4)Để bảo đảm giữ gìn và phát triển thương hiệu một cách bền vững, điểm mấu chốt chính là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) và phát triển mạng lưới bán hàng, đưa thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm đến với quảng đại người tiêu dung; (5)Là tài sản doanh nghiệp, thương hiệu cần được quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo uy tín và hình ảnh của thương hiệu không ngừng được nâng cao. Điều này đòi hỏi: (i)Doanh nghiệp đi vào chiều sâu: Tạo dựng được sự đặc biệt và khác biệt so với đối thủ cạnh tranh; (ii)Quảng cáo thật khôn khéo, duy trì và không ngừng nâng cao mức độ tiến đến thương hiệu, chất lượng được thừa nhận của thương hiệu và công dụng của nó; (iii)Xây dựng và giữ gìn mối quan hệ mật thiết với khách hàng tạo sự gắn bó về tình cảm giữa thương hiệu với người tiêu dung; (iv)Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; (v)Không ngừng đầu tư, nghiên cứu và phát triển vào sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dung; (vi)Bảo đảm chất lượng dịch vụ thương mại và hậu mãi dành cho người tiêu dùng.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu nông sản kết nối thị trường cho 10 cơ sở là doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ứng dụng mã số mã vạch xây dựng nhãn hiệu nông sản kết nội thị trường như: Măng cụt ở huyện Giồng Riềng; Mứt khóm ở huyện Gò Quao; Nấm bào ngư, gạo lúa mùa và tinh bột nghệ ở huyện Châu Thành; Gạo đặc sản Nguyên Hưng ở huyện Vĩnh Thuận; Chả cá tươi ở huyện An Minh; Mắm cá lưỡi trâu và sản phẩm mật ong ở huyện U Minh Thượng; Khô cá xương xanh ở Kiên Hải.
Mô hình ứng dụng mã số mã vạch xây dựng nhãn hiệu nông sản được quản lý thông qua áp dụng phương pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QR, bước đầu thiết lập nền tảng tiến tới xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cho các HTX tại tỉnh. Đồng thời tích hợp các nhãn hiệu nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc này với xây dựng website thương mại điện tử với đường link là http://webkg.traceverified.com; website này hoạt động như một sàn giao dịch nông sản, là nơi thông tin kết nối cung cầu cho nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh Kiên Giang. Kết quả bước đầu đã mang lại kết quả bước đầu đã giúp người tiêu dùng nhận diện nhãn hiệu nông sản an toàn, cơ sở có uy tín kết nối thị trường, qua đó thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản vùng miền.
Trong những năm tiếp theo, Trung tâm khuyến nông sẽ xây dựng kế hoạch hát triển 45 nhãn hiệu nông sản (Thiết kế logo, nhãn hiệu, đăng ký cơ sở đủ điều kiện sản xuất, công bố sản phẩm, nhãn dán, mã vạch, mã số vùng trồng…): Trong năm 2021 triển khai quy mô 5 nhãn hàng nông sản, giai đoạn trong 4 năm kế tiếp năm sẽ có 40 nhãn hàng nông sản, qua đó giúp các chủ thể doanh nghiệp, HTX, THT, chủ hộ sản xuất hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện (Theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019). Bên cạnh đó giúp thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản Kiên Giang kết nối thị trường.
Nhất Anh, phòng Kế hoạch Tổng hợp
Rất hay
Thanks!